Nổi loạn, bất ổn và áp lực ngày càng tăng Nhà_Thanh

Một quan điểm thông thường về Trung Quốc ở thế kỷ 19 cho rằng đây là giai đoạn mà sự kiểm soát của nhà Thanh suy yếu đi và sự thịnh vượng cũng sút giảm. Quả vậy, Trung Quốc phải chịu đựng nhiều cuộc xung đột xã hội, đình đốn kinh tế và sự bùng nổ dân số đặt ra những vấn đề lớn đối với việc phân phối lương thực.

Các nhà sử học đã đưa ra nhiều sự giải thích cho những sự kiện trên, nhưng ý tưởng căn bản cho rằng quyền lực nhà Thanh, sau một thế kỷ, đã phải đối mặt với những vấn đề bên trong và áp lực bên ngoài khiến cho hình mẫu chính phủ, tình trạng quan liêu và hệ thống kinh tế của Trung Quốc thời ấy không sao giải quyết nổi:

  • Trước tiên, nhà Thanh phải đối mặt với khó khăn giống như những triều đại trước: giai cấp địa chủ không ngừng gia tăng thôn tính ruộng đất và bóc lột, khiến cho phần lớn nông dân tự canh phá sản, mất đi ruộng đất, trở thành tá điền hoặc lưu dân, bị buộc phải chấp nhận những điều kiện hà khắc, chấp nhận mức tô càng nặng nề hơn trước. Bởi thế, tình trạng bần cùng hoá giai cấp nông dân trở nên phổ biến, đẩy họ vào hoàn cảnh đói rét vô cùng bi thảm. Thời Càn Long, tình trạng địa chủ thôn tính ruộng đất đã cực kỳ nghiêm trọng, “trong 10 người thì 1-2 kẻ sở hữu đất đai, 3-4 người không có ruộng để cày, còn tá điền thì chiếm đến 4-5 người”. Một số lượng lớn nông dân bị ép phải rời bỏ quê hương, trở thành lưu dân, lưu lạc tha hương. Chỉ riêng thành Bắc Kinh đã có 10 vạn ăn mày. Triều đình nhà Thanh đối với vấn đề này không một kế sách khả thi, số lượng dân đói, dân lưu lạc ngày càng tăng, mâu thuẫn giai cấp xã hội ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ kinh tế vì thế dẫn tới đấu tranh chính trị, cung cấp điều kiện xã hội ngày càng chín muồi cho các cuộc khởi nghĩa nông dân. Tả Tông Đường đã đánh giá về tình hình kinh tế các tầng lớp ở nông thôn như sau: “Trong 10 người thì giàu có bất quá được 1, 2 kẻ, còn lại đều lao động bần khổ, hoặc làm giấy, hoặc trồng khoai thay lương, năm được mùa còn phải mua ngũ cốc tiếp hoang, năm mất mùa lấy đâu ra no đủ?” Các tổ chức phản kháng như Bạch Liên giáo, Thiên Địa hội, Niệm đảng, Bái Thượng đế giáo... đã thừa cơ mở rộng lực lượng, tổ chức khuyên răn dẫn dắt dân đói, dân lưu lạc tham gia đấu tranh phản Thanh nhằm tìm con đường sống.
  • Sau 150 năm hòa bình, nhà Thanh gặp vấn nạn bùng nổ dân số: Thời kì đầu nhà Thanh, do chiến tranh khiến dân số sụt giảm nhiều, triều đình tiến hành chính sách khuyến khích sinh sản, từ “tư sinh nhân đinh, vĩnh bất gia phú” thời Khang Hy tới “than đinh nhân mẫu” thời Ung Chính đều xoá bỏ thuế đầu người, cổ vũ khuyến khích nhân dân sinh đẻ. Xã hội ổn định, không có chiến tranh, kinh tế từng bước phát triển, việc du nhập các loại cây lương thực mới (ngô, khoai lang) đã cung cấp điều kiện thuận lợi cho việc tăng sức sinh sản. Vậy là dân số tăng lên nhanh chóng, trong vòng 100 năm từ năm Càn Long thứ 6 (1741) tới năm Đạo Quang thứ 20 (1840), dân số từ 140 triệu tăng vọt lên tới 410 triệu, tăng gần 3 lần, hiện tượng này trước đó chưa từng xảy ra. Nhà Thanh là xã hội phong kiến nông nghiệp lấy nông nghiệp làm nền tảng quốc gia, việc sản xuất của cải vật chất cơ bản dựa vào nông nghiệp. Nhưng diện tích đất đai canh tác thì không thể tăng thêm, nên bình quân đất canh tác tính trên đầu người ngày càng giảm. Tới giữa thời Càn Long, bình quân đất canh tác còn được 4,25 mẫu/người, vẫn đủ để người nông dân nuôi sống gia đình. Đến giữa những năm Gia Khánh - Đạo Quang, bình quân đất canh tác đã giảm xuống còn 2,19 mẫu, người nông dân đã vô cùng khốn quẫn, khó duy trì nổi sinh kế của gia đình, giá lương thực cao vọt, giá mỗi thạch gạo chưa tới 1.000 quan tiền thời Khang Hy nay lên tới 3.000 quan tiền. Đến lúc Hàm Phong lên ngôi (năm 1851), bình quân đất canh tác tính trên đầu người chỉ còn 1,78 mẫu, nông dân không có đất canh tác phải lưu lạc đầy rẫy, gia nhập giang hồ cướp của.
  • Nhà Thanh từ giữa thời Càn Long chứng kiến sự tha hóa, hủ bại của đội ngũ quan lại: Đại học sĩ Hòa Thân chuyên quyền, công khai ăn hối lộ, bẻ cong luật pháp, mua quan bán tước nhưng lại được Càn Long dung túng. Trào lưu thanh chính nghiêm minh nơi quan trường chính trị thời Khang HyUng Chính đã thay đổi, sa ngã xuống vũng bùn hủ bại tham lam. Quan lại “lấy việc ăn uống mỹ sắc làm tri kỷ, liêm sỉ cốt ở danh tiếng, cướp lợi lộc là hiền tài, nghiên cứu nghĩa lý là mê hoặc” Hoàng đế Gia Khánh sửa sai bằng cách nghiêm trị Hòa Thân, vua Đạo Quang thì đề cao tiết kiệm, nhưng tệ nạn tham nhũng đã tích tụ bao năm qua đã không cách nào trừ bỏ được. Quan lại địa phương tự đặt ra luật lệ, cướp đoạt tại chỗ, việc lại trị ngày càng sa sút. Chương Học Thành chỉ ra, thời Gia Khánh – Đạo Quang, khoản tiền mà quan lại địa phương ăn hối lộ, gấp mười lần, thậm chí gấp trăm lần trước kia, “nhà cửa, đồ dùng xa hoa hơn chư hầu thời xưa rất nhiều, kẻ trên người dưới tranh nhau lợi, kẻ giàu sang làm điều ác mà chẳng bị truy cứu, người nghèo khó có oan mà không nói được”.
  • Thời Đạo Quang còn phải đối mặt với sự xâm lấn của các cường quốc thực dân phương Tây. Trước tiên là việc nhập lậu thuốc phiện lan tràn cả nước. Tiền bạc chảy ra ngoài, nguồn bạc thiếu thốn, nạn thiếu tài chính lộ rõ. Theo thống kê, trong khoảng thời gian trước chiến tranh nha phiến 10 năm, số nha phiến nhập lậu lên tới 23,8 triệu thùng, trung bình mỗi năm 2,4 triệu thùng, trung bình mỗi năm Trung Quốc tiêu tốn 16,3 triệu lạng bạc cho thuốc phiện. Sau chiến tranh nha phiến năm 1841, nhà Thanh phải bồi thường chiến phí, lại phải chấp nhận cho phương tây tự do buôn thuốc phiện, tình hình tài chính của Thanh triều càng thêm tồi tệ. Theo tấu trình của Trác Bỉnh Điềm, từ năm 1840 đến năm 1849, các khoản chi ngoại ngạch “đã hơn 70 triệu lạng”. Tổng cộng trong giai đoạn 1830 – 1848, trong khoảng thời gian 19 năm, tổng số bạc chảy ra ngoài đã đạt tới hơn 120.200.000 lạng, nhiều hơn 3 lần thu nhập tài chính trong một năm của triều đình (hơn 40 triệu lạng). Quốc khố cạn kiệt, khi vua Đạo Quang qua đời, ngân khố của bộ Hộ chỉ còn 9.000.000 lạng bạc. Không chỉ vậy, thuốc phiện còn đầu độc nhân dân Trung Quốc, khiến sức khỏe người dân sa sút, đầu óc trở nên mê muội, nhiều gia đình tan cửa nát nhà vì nghiện thuốc phiện, đó là thiệt hại không thể đo đếm bằng tiền.

Đối diện với suy thế, nhiều nhà trí thức có đầu óc nhạy bén như Lâm Tắc Từ, Cung Tự Trân đã sớm nhận ra nguy cơ họa loạn với đất nước. Họ thấy xã hội rối ren, ngày càng thêm loạn, các thế lực phản Thanh đang nhanh chóng tụ tập lực lượng. "Gió tích đủ thì sẽ thành bão", một cuộc chiến loạn long trời lở đất đã sắp nổ ra. Họ chủ trương “biến pháp”, sau này có Ngụy Nguyên đề xuất “biến cổ”, hướng đến mục tiêu chấn hưng Thanh triều, thực hiện cải cách trong lòng chế độ. Nhưng tất cả đề xuất của họ đều không được triều đình tiếp thu.

Cuộc khởi nghĩa Thái bình thiên quốc vào giữa thế kỷ 19 là kết quả của hàng loạt mâu thuẫn xã hội đã tích tụ suốt 150 năm, nay tới lúc phải bùng nổ. Đây là ví dụ đầu tiên phản ánh tư tưởng chống Mãn Châu đe dọa sự ổn định của nhà Thanh, một hiện tượng còn tăng thêm trong những năm sau này. Tuy nhiên, số lượng thương vong kinh khủng của cuộc khởi nghĩa này - tới 30 triệu người - và sự tàn phá nghiêm trọng các vùng đất rộng lớn ở phía nam đất nước vẫn còn bị che mở bởi một cuộc xung đột khác. Dù không đẫm máu bằng, nhưng thế giới ảnh hưởng của thế giới bên ngoài qua những tư tưởng và kỹ thuật của nó đã có một ảnh hưởng rất lớn và cuối cùng mang lại tác động có tính cách mạng đối với một triều đình nhà Thanh đang ngày càng suy yếu và dao động.

Một trong những vấn đề lớn ở thế kỷ mười chín của Trung Quốc là cách thức đối phó với các nước khác bên ngoài. Trước thế kỷ mười chín, Đế chế Trung Quốc là cường quốc bá chủ châu Á. Theo học thuyết đế quốc của họ, hoàng đế Trung Quốc có quyền cai trị toàn bộ "thiên hạ". Tùy theo từng giai đoạn và từng triều đại, họ hoặc cai trị trực tiếp các vùng lãnh thổ xung quanh hoặc buộc các nước đó phải nộp cống cho mình.

Các nhà sử học thường đưa ra quan niệm cơ bản của đế chế Trung Quốc, "đế chế không biên giới", khi đề cập tới thực trạng trên. Tuy nhiên, trong thế kỷ mười tám, các đế chế châu Âu dần mở rộng ra khắp thế giới, khi các nước châu Âu phát triển các nền kinh tế hùng mạnh dựa trên thương mại hàng hải. Mặt khác, đế chế Trung Quốc rơi vào tình trạng tù hãm sau nhiều thế kỷ dẫn đầu thế giới.

Tới cuối thế kỷ mười tám, các thuộc địa của châu Âu đã được lập nên ở gần Ấn Độ và trên những hòn đảo hiện là các vùng thuộc Indonesia, trong khi Đế chế Nga đã sáp nhập các vùng phía bắc Trung Quốc. Ở thời các cuộc chiến tranh Napoleon, Anh Quốc từng muốn thành lập liên minh với Trung Quốc, gửi các hạm đội tàu tới Hồng Kông mang theo quà tặng gửi tới vị Hoàng đế, gồm nhiều vật phẩm được chế tạo bởi những kỹ thuật và phong cách nghệ thuật mới nhất của châu Âu thời kỳ đó. Khi các phái đoàn Anh nhận được một lá thư từ Bắc Kinh giải thích rằng Trung Quốc không cảm thấy ấn tượng trước những thành tựu của châu Âu và cho rằng triều đình Trung Quốc sẵn lòng nhận sự kính trọng của vua George III nước Anh, chính phủ Anh cảm thấy bị xúc phạm và từ bỏ mọi kế hoạch nhằm thiết lập các quan hệ với nhà Thanh.

Cờ nhà Thanh, 1889-1912Carte de l'Empire chinois et du Japon, 1833, Conrad Malte-Brun, 1837.

Khi các cuộc chiến tranh Napoleon chấm dứt năm 1815, thương mại thế giới tăng trưởng nhanh chóng, và bởi vì dân số đông đảo của Trung Quốc là một thị trường vô hạn cho hàng hóa châu Âu, thương mại giữa Trung Quốc và các thương gia châu Âu phát triển trong những năm đầu của thế kỷ mười chín. Khi thương mại tăng trưởng, sự thù nghịch cũng gia tăng giữa các chính phủ châu Âu và nhà Thanh.

Năm 1793, nhà Thanh chính thức cho rằng Trung Quốc không cần tới các hàng hóa châu Âu. Vì thế, các lái buôn Trung Quốc chỉ chấp nhận dùng bạc làm vật trao đổi cho hàng hóa của họ. Nhu cầu to lớn của châu Âu đối với các hàng hóa Trung Quốc như , trà, và đồ sứ chỉ có thế được đáp ứng khi các công ty châu Âu rót hết số bạc họ có vào trong Trung Quốc. Tới cuối những năm 1830, các chính phủ AnhPháp rất lo ngại về các kho dự trữ kim loại quý của họ và tìm cách đưa ra một phương thức trao đổi mới với Trung Quốc - và cách tốt nhất là đầu độc Trung Quốc bằng thuốc phiện. Khi nhà Thanh tìm cách cấm buôn bán thuốc phiện năm 1838, Anh Quốc đã tuyên chiến với Trung Quốc.

Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất cho thấy sự lạc hậu của quân đội Trung Quốc. Dù có quân số áp đảo so với người Anh, kỹ thuật và chiến thuật của họ không thể so sánh với các cường quốc kỹ thuật thời ấy. Hải quân nhà Thanh, gồm toàn các tàu gỗ không phải là đối thủ của các tàu chiến bọc thép chạy hơi nước của Hải quân Hoàng gia Anh. Binh sĩ Anh sử dụng súng có rãnh xoắnpháo binh vượt trội dễ dàng tiêu diệt các lực lượng nhà Thanh trên chiến trường.

Việc nhà Thanh đầu hàng năm 1842 đánh dấu một tai họa mang tính quyết định và nhục nhã của Trung Quốc. Hiệp ước Nam Kinh, buộc họ phải trả khoản bồi thường 21 triệu lạng bạc và nhượng đảo Hồng Kông cho Anh Quốc. Nó cũng cho thấy tình trạng bất ổn định của chính phủ nhà Thanh và khiến cho nhiều cuộc khởi nghĩa chống chế độ diễn ra.

Các cường quốc phương tây, chưa hài lòng với Hiệp ước Nam Kinh, chỉ miễn cưỡng hỗ trợ nhà Thanh trong việc tiêu diệt các cuộc nổi dậy Thái bình thiên quốc và cuộc khởi nghĩa Niệm Quân. Thu nhập của Trung Quốc giảm sút rõ rệt trong thời gian chiến tranh khi nhiều vùng đất canh tác rộng lớn bị hủy hoại, hàng triệu người thiệt mạng và số lượng binh lính đông đảo cũng như trang bị vũ khí cho họ để chiến đấu.

Năm 1854, Anh Quốc tìm cách đàm phán lại Hiệp ước Nam Kinh, thêm vào các điều khoản cho phép các thương gia người Anh đi lại trên sông ngòi Trung Quốc và lập một đại sứ quán thường trực của họ tại Bắc Kinh. Điều khoản cuối cùng này xúc phạm tới chính quyền nhà Thanh và họ đã từ chối ký kết, gây ra một cuộc chiến tranh khác giữa hai bên. Cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai chấm dứt với một thất bại nặng nề khác của Trung Quốc, khiến cho Nhà Thanh phải ký Hiệp ước Thiên Tân với Đế quốc Anh